Kể từ Thế chiến Thứ hai số lượng đèn chiếu sáng tại các thành phố tăng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng việc chiếu sáng quá mức không đúng lúc và không đúng chỗ có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực chứ chẳng mang lại lợi ích gì.
Dựa vào đặc trưng của các nguồn gây ra và đối tượng chịu tác động, ô nhiễm ánh sáng được phân chia thành các loại sau: ánh sáng xâm nhập, lạm dụng ánh sáng, ánh sáng chói lòa, ánh sáng lộn xộn và ánh sáng chiếm dụng bầu trời.
Ánh sáng xâm nhập xảy ra khi ánh sáng phản chiếu vào những khu vực không cần thiết hoặc không mong muốn. Chẳng hạn như đèn đường chiếu vào cửa sổ của các căn hộ sống ven đường, hậu quả là có thể gây mất ngủ đối với những người sống trong đó.
Ánh sáng chói lòa là hậu quả gây ra bởi hiện tượng đối lập giữa vùng sáng và vùng tối trong tầm nhìn. Khi ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt người đi đường sẽ làm mất tầm nhìn trong đêm và vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với an toàn giao thông.
Lạm dụng ánh sáng là việc sử dụng quá mức ánh sáng, gây lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do không tắt ánh sáng khi không cần thiết hoặc thiết kế chiếu sáng không phù hợp làm cho việc sử dụng ánh sáng lớn hơn mức cần thiết hoặc ánh sáng không tập trung vào khu vực cần thiết.
Ánh sáng lộn xộn do nhiều nguồn sáng được sử dụng quá mức cùng lúc. Đồng thời chúng được bố trí tạo ra các luồng chiếu sáng đan xen lẫn nhau. Điển hình là trên các đường phố có quá nhiều đèn quảng cáo. Đây cũng là một nguyên nhân làm cho người đi đường dễ mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn.
Ánh sáng chiếm dụng bầu trời thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư, nhất là ở các khu đô thị hiện đại. Toàn bộ ánh sáng từ các nguồn khác nhau đều phản chiếu lên bầu trời đêm, gây ra hiện tượng sáng bừng cả khu vực khi quan sát từ xa. Vấn đề này đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà thiên văn khi quan sát các vì sao.
Hiện nay, có rất nhiều thành phố năng động và phát triển, đến mức được mệnh danh là “những thành phố không ngủ”. Đó là vì thành phố ấy sầm uất, nhộn nhịp ngay cả khi đã vào đêm. Nhưng còn một sự thật khác, đó là sự ô nhiễm ánh sáng ở những nơi ấy đã khiến người dân thành phố… thực sự mất ngủ. Có thể kể đến những thành phố bị ô nhiễm ánh sáng nghiêm trọng nhất như Hong Kong, New York (Hoa Ky), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải, (Trung Quốc)…
Việc chiếu sáng chiếm đến một phần tư năng lượng tiêu dùng của cả thế giới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra là thông thường có 50%- 90% ánh sáng ở các tòa nhà là không cần thiết. Ở những thành phố lớn, nơi hệ thống đèn đường, đèn dùng cho mục đích trang trí và quảng cáo bị cũng lạm dụng quá mức.
Năm 2005, tính tổng cộng trên toàn Châu Âu có 1,6 tỷ điểm chiếu sáng với mức tiêu hao điện năng hàng năm là 200 TWh.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Hong Kong cho thấy mức độ ô nhiễm ánh sáng ở khu mua sắm nổi tiếng trên đường Tsim Sha Tsui gấp 1.200 lần với tiêu chuẩn của bầu trời khi về tối.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, ông Jason Pun cho hay: "Ở Hong Kong, bạn không thể ra đường vào buổi tối với đôi mắt cảm thấy thoái mái khi ánh sáng chói rọi liên tục ngoài phố. Sự thực là việc sử dụng quá nhiều bóng đèn vào buổi tối đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm hao phí khá nhiều năng lượng. Chúng ta cần giảm số điện năng đang sử dụng và thay đổi để bảo vệ môi trường".
Theo Hiệp hội Thiên văn New Jersey, khoảng 30% lượng ánh sáng hiện sử dụng để thắp sáng ngoài trời là không hợp lý, góp phần làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển.
Con số này chưa bao gồm lượng thủy ngân thải vào môi trường qua loại đèn hơi thủy ngân vốn được dùng phổ biến. Đốt cháy nhiên liệu hóa thạch một cách lãng phí đã khiến bầu khí quyển phải gánh thêm một lượng khí ô-xit lưu huỳnh và ô-xit ni-tơ.
Cũng như động thực vật, cơ thể con người hoạt động theo một đồng hồ sinh học. Ánh sáng nhân tạo về ban đêm vì vậy có thể làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực tới nhịp sinh học của con người.
Một trong những tác động có thể kể đến là ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng tới sự sản xuất hooc-môn melatonin ở não vốn giúp cơ thể duy trì bình thường chu kỳ ngủ - thức. Hậu quả của tác động này là những rối loạn liên quan đến giấc ngủ, từ đó làm tăng nguy cơ béo phì và các tình trạng bệnh lý mãn tính.
Nguồn: http://moitruong.com.vn
Nguồn: http://moitruong.com.vn